Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - cẩn trọng lựa chọn công nghệ.

12:56 10-07-2013

Lượt xem: 3726

Trước nguy cơ thiếu điện và chi phí sản xuất điện từ than, dầu sẽ ngày một cao hơn, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ và quy mô dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, để có thể phát điện trước năm 2020, sớm hơn so với dự kiến.

 

 

Trao đổi với báo giới gần đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ, Chính phủ đang kiến nghị các cơ quan tư vấn của Nga và Nhật Bản nâng cao mức độ an toàn, sử dụng những công nghệ an toàn nhất cho cho nhà máy điện hạt nhân Việt Nam.

 

Thưa ông sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, vấn đề an toàn đang tiếp tục được xem xét ở nhiều góc độ nhằm đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất. Đối với dự án “đầu tay” này tại Việt Nam, công nghệ nhà máy hiện đang được cân nhắc như thế nào để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất?

 

Sau sự cố động đất và sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011, thì Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải tăng cường các yêu cầu an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân lên mức cao nhất, và vì vậy chúng tôi đã giám sát các báo cáo hàng quý của các cơ quan tư vấn Nga và Nhật Bản và đang kiến nghị họ phải nâng cao mức độ an toàn, nói cách khác đi phải sử dụng những công nghệ an toàn hơn, thậm chí là an toàn nhất cho cho nhà máy điện hạt nhân Việt Nam.

 

Điều này có thể nói là cũng đã được các nhà thầu Nhật Bản và Nga chấp nhận và trong báo cáo đầu tư họ sẽ trình với chính phủ Việt Nam vào năm 2013, chắc chắn họ sẽ đưa ra rất nhiều phương án trong đó có những phương án sử dụng công nghệ hiện đại nhất và an toàn nhất cho các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

 

Việc lựa chọn địa điểm xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo mức độ an toàn. Vậy tới thời điểm này, chúng ta đã xác định được các địa điểm xây dựng nhà máy tại Ninh Thuận hay chưa?

 

Về địa điểm, cho đến giờ phút này các cơ quan tư vấn khảo sát còn đang tiến hành khảo sát. Nhưng có thể nói do yêu cầu an toàn cao hơn của Chính phủ Việt Nam cho nên họ cũng dành thời gian khảo sát nhiều hơn, để đảm bảo hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này sẽ được xây dựng ở trên những địa điểm an toàn nhất. Chính vì thế, tiến độ xây dựng báo cáo đầu tư cũng có thể sẽ phải chậm hơn so với dự kiến ban đầu.

 

Vậy còn công tác chuẩn bị về mọi mặt thì sao, thưa ông?

 

Hiện nay, Chính phủ đã thành lập Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, và chúng tôi vừa mới họp phiên họp đầu tiên. Hội đồng đã có kết luận, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như là các cơ quan tư vấn của Nhật Bản và Nga phải luôn quan tâm đến vấn đề an toàn, kể cả khảo sát địa điểm cũng như là lựa chọn công nghệ sau này.

 

Khi báo cáo đầu tư của Nhật Bản và Nga được trình thì Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định về an toàn đối với các báo cáo đầu tư này. Hội đồng thẩm định ấy sẽ gồm đại diện các cơ quan nhà nước Việt Nam, chúng ta phải mời các cơ quan thẩm định quốc tế có kinh nghiệm cùng chúng ta thẩm định báo cáo đầu tư để đảm bảo an toàn nhất cho hai dự án điện hạt nhân.

 

Hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng chương trình hành động quốc gia về an toàn hạt nhân, trong đó có rất nhiều thành phần khác nhau, ngoài việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế của Nga, Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, đảm bảo mức độ an toàn hạt nhân cao nhất thì chúng tôi cũng cùng với các bộ ngành có liên quan, xúc tiến chương trình đào tạo nguồn nhân lực về an toàn hạt nhân, không chỉ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho Bộ Xây dựng, cho Bộ Khoa học và Công nghệ mà nhiều Bộ, ngành khác có liên quan, kể cả Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể ứng phó khẩn cấp với những sự cố trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chương trình tuyên truyền cho cộng đồng dân cư cũng như giới quản lý và giới khoa học về an toàn hạt nhân, hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các cơ quan pháp quy hạt nhân của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga xây dựng một trung tâm truyền thông rất lớn bên cạnh nhà máy điện hạt nhân. Hỗ trợ cho việc đó, chúng tôi cũng đã triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu về khoa học công nghệ hạt nhân, với sự hỗ trợ của Liên Bang Nga, giá trị đầu tư khoảng 500 triệu USD, xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu cùng với hệ thống trang thiết bị cần thiết, các hệ thống quan trắc môi trường, quan trắc phóng xạ, để phục vụ hỗ trợ kỹ thuật đối với nhà máy điện hạt nhân.

 

Thưa Bộ trưởng, gần đây có thông tin tại Nga đang áp dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân trên biển, công nghệ ấy vừa rẻ, vừa cơ động và khi xảy ra sự cố thì khả năng gây ảnh hưởng trên diện rộng sẽ giảm. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam mình nên áp dụng công nghệ này, ông nghĩ sao?

 

Hiện nay, trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chúng ta đã mời Nga sang tham gia, chúng ta đều yêu cầu họ phải sử dụng công nghệ mới nhất và an toàn nhất, cho nên chúng ta tin tưởng là nếu họ có công nghệ an toàn nhất, hiện đại nhất thì họ sẽ áp dụng cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 

Tôi nghĩ rằng, đánh giá về mức độ an toàn, phải có thời gian để kiểm chứng, nếu như công nghệ chưa có thời gian kiểm chứng không ai dám khẳng định nó an toàn hơn, ngay cả nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển, thì cũng phải qua một thời gian kiểm chứng. Hơn nữa, khi đã xảy ra sự cố phóng xạ kể cả một nhà máy ở Nga, thì bụi phóng xạ của nó cũng có thể phủ ra toàn bộ châu Âu, vấn đề ở chỗ chúng ta làm sao đừng để xảy ra sự cố.

 

Tóm lại, khi nào họ trình với Chính phủ Việt Nam báo cáo đầu tư, trong đó có các phương án lựa chọn công nghệ và lựa chọn địa điểm, Chính phủ mới thành lập Hội đồng để thẩm định, để quyết định địa điểm ở đâu, chọn công nghệ nào và sau đó chúng ta mới tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân./.

 

Bài viết khác